Ánh Sao: +84-4-38696675
Hotline: +84-974947306

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay925
mod_vvisit_counterHôm qua1008
mod_vvisit_counterTrong tuần3178
mod_vvisit_counterTuần trước2656
mod_vvisit_counterTrong tháng17691
mod_vvisit_counterTháng trước23346
mod_vvisit_counterTất cả1910974
Hiện có 7 khách Trực tuyến

Cô bạn cao 70cm và ước mơ giảng đường đại học

Share

(Dân trí) - Không may mắn như bạn bè cùng trang lứa, ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời em đã bị dị tật do di chứng chất độc dioxin. 12 năm em đến trường là chuỗi tháng ngày cố gắng, nỗ lực vượt qua số phận để tiến dần hơn đến giấc mơ giảng đường ĐH.

Đó là em Trương Thị Thương, sinh năm 1989 trong một gia đình nghèo có bốn anh chị em xã miền núi heo hút Đại Hồng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Hành trình đến với tri thức của Thương càng chông chênh hơn khi em không thể tự đi lại bằng đôi chân của mình.
Dù bị dị tật do di chứng chất độc dioxin, Trương Thị Thương không từ bỏ ước mơ vào giảng đường đại học.
Gian nan tìm chữ
“Ngay từ khi sinh ra em nó đã bị khuyết tật. Bác sĩ bảo do di chứng chất độc da cam nên sau này Thương sẽ khó phát triển và không thể đi lại như bao đứa trẻ khác. Sinh ra em nó chỉ nặng 1,5 kg”, ông Trương Công Bảy, ba của Thương nhớ lại ngày Thương mới chào đời.
Lên 5 tuổi, lứa tuổi mà bao đứa trẻ cùng trang lứa đã biết chạy nhảy, nô đùa khắp đầu làng cuối xóm, Thương chỉ biết lăn lông lốc trên giường, nhìn những đứa trẻ khác chơi đùa. Thế rồi đến khi nhìn những đứa trẻ trong xóm tung tăng cắp sách đến trường, bi bô đọc những câu chuyện cổ tích, ngân nga những bài hát, Thương thèm muốn được như các bạn, em năn nỉ ba mẹ cho đi học.
“Thấy nó cứ nài nỉ mãi, cứ khóc lóc cả ngày đòi đi học. Cầm lòng không được nên phải chiều cho con vui. Nhưng mà cũng sợ lắm, sợ con dị tật đến lớp bạn bè trêu ghẹo thì khổ”, bà Lương Thị Huệ, mẹ của Thương kể.
Năm nay đã hơn 20 tuổi nhưng Trương Thị Thương chỉ cao 70 cm và nặng chưa tới 30 kg. Không thể tự di chuyển, từ nhỏ đến lớn, đôi chân ba mẹ chính là bàn đạp giúp em đến trường, và có lẽ những đôi chân ấy sẽ còn theo em bước tiếp chặng đường phía trước, mà trước mắt là 4 năm đại học.
Ban đầu, ba mẹ cho Thương đi học cũng chỉ mong con đến lớp chơi đùa với bạn bè, biết được cái chữ. Ấy vậy mà từ ngày được đi học, Thương học hành rất chăm chỉ, nhờ thế mà suốt những năm học cấp 1 và cấp 2, Thương luôn là học sinh giỏi được thầy cô và bạn bè mến mộ. Ba năm cấp 3, Thương vẫn duy trì sự cố gắng bằng những tấm giấy khen học lực tiên tiến làm mát lòng ba mẹ.
“Em Thương tuy bị dị tật nhưng rất siêng năng, chăm chỉ. Chưa bao giờ thấy em vắng học dù có hôm lên lớp em nằm li bì vì trở bệnh. Đến lớp em luôn chăm chú nghe giảng, cái gì không hiểu em hỏi thầy cô cho bằng được, vì thế thầy cô trong trường ai cũng yêu mến và hãnh diện vì có một học trò như em”, cô Võ Thị Hà, giáo viên chủ nhiệm năm lớp 12 của Thương nói về cô học trò nhỏ của mình.
Để đến được trường, Thương phải trải qua những tháng ngày được ba mẹ địu trên vai, bồng đến lớp bất kể ngày nắng hay ngày mưa. “Cấp 1 học gần nhà thì mẹ cháu bồng đi, đến cấp 2 và cấp 3 do trường học xa nhà quá nên tôi phải chở cháu đi học rồi đón về. Có hôm do làm về muộn nên đón cháu trễ, lúc đến thấy cháu vẫn ngồi trước lớp vừa đọc sách vừa ngóng ba đến đón mà thấy đau lòng lắm, phải chi bình thường như người khác thì…”, ông Bảy ngấn nước mắt khi nhớ lại ngày con đi học.
Nghĩ về chuỗi tháng ngày gian nan tìm chữ, Thương chia sẻ: “Em chỉ mong học lên cao sau này có công việc ổn định, đỡ đần cho ba mẹ, chứ ba mẹ khổ vì em quá nhiều rồi”.
Viết tiếp giấc mơ đại học
Nói đến ước mơ của mình, cô bé “nấm lùn” chia sẻ : “Đợt thi đại học năm nay em nộp hồ sơ thi ĐH Sư phạm Đà Nẵng, ngành Công nghệ thông tin. Ngành này phù hợp với một người tật nguyền, ngại di chuyển như em”.
Được biết, vào buổi thi sáng ngày 4/5, sau khi hoàn thành xong bài thi môn Toán, Trương Thị Thương đã được ĐH Đà Nẵng đặc cách xét tuyển thẳng cho em vào học ngành em đã chọn thi trước đó.
Tuy vui mừng trước sự ưu tiên này nhưng Thương vẫn không giấu được nỗi lo lắng. Chặng đường phía trước của em sẽ gian truân và khó khăn hơn rất nhiều bởi em sẽ xa gia đình để lên thành phố học. Ở nơi đó em hiểu rằng mình phải cố gắng rất nhiều để thích nghi với môi trường mới. “Nghe anh chị nói học đại học khó lắm, tự học là chủ yếu, nhưng khó khăn thế nào em cũng sẽ cố gắng vượt qua”, Thương cười nói.
“Em nó nói thế chứ gia đình cũng không yên tâm, gia đình tính rồi, ba cháu sẽ cùng cháu ra ngoài đó, vừa trông nom, đưa cháu đi học, vừa kiếm việc làm thêm”, mẹ Thương nói.

Thương ước mơ sau này sẽ trở thành kỹ sư Công nghệ thông tin.
Chia tay Thương và gia đình, chúng tôi thầm nghĩ hành trình chinh phục tri thức của cô bé “nấm lùn” phía trước sẽ còn lắm chông gai, thử thách, nhưng chúng tôi cầu mong cho em sẽ gặp được thật nhiều may mắn và thực hiện được ước mơ trở thành kĩ sư Công nghệ thông tin mà em luôn ước ao.

Share

Số 24 - Ngõ 205 (Cột Cờ)