Ga tàu cuối năm đông nghịt, người đứng , người ngồi chồng chất lên nhau. Trong cái không gian chật chội ấy bỗng vang lên tiếng khóc khùng khục, ồm ồm của một thanh niên mới lớn rồi giọng nói nghẹn ngào của một phụ nữ đang dỗ dành, bỏ tờ báo đang đọc dở xuống, trước mắt tôi là cảnh một người đàn bà bé nhỏ ước chừng 40 tuổi, ăn vận xuềnh xoàng, vai khoác balô may bằng vải bộ đội đã bạc phếch và một cậu thanh niên khoảng 16 ~17 tuổi, cậu thanh niên thật to cao đẹp trai nhưng không hiểu sao cứ khóc ầm ĩ đòi điều gì đó, người phụ nữ luôn miệng dỗ cậu thanh niên giống như dỗ một đứa trẻ.
Đang chăm chú theo dõi hai mẹ con người phụ nữ thì nhà ga thông báo đã tới giờ lên tàu, tôi vội vã lao ra đoàn tàu đang đỗ trước mặt, mong sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình trong những ngày cuối năm.
Thở phào nhẹ nhõm, thả mình rơi xuống ghế tôi mơ màng nghĩ tới lúc được ngồi ăn những món ăn ưa thích mẹ nấu mỗi khi tôi có dịp về nhà. Định lấy tai nghe ra để nghe nhạc thì giọng nói gay gắt của cô nhân viên soát vé dưới sân ga làm tôi chú ý :
- Chị đi đổi vé đi, nó lớn thế này rồi còn mua vé trẻ em, ai cũng như chị thì đường sắt chúng tôi làm sao phát triển được.
Tôi chồm người ra cửa sổ thì thấy hai mẹ con người phụ nữ đang đứng dưới sân ga cùng cô nhân viên soát vé, người phụ nữ nhìn cô soát vé cầu khẩn :
- Cháu nhà chị bị khuyết tật, đưa cháu ra chữa trị nửa năm rồi, giờ tết đến chị đưa cháu về ăn tết và vay thêm ít tiền ra tết đưa cháu ra chữa tiếp, trước khi về thanh toán tiền chữa cho cháu hết nhiều quá chị không còn tiền để mua đủ hai vé người lớn, hơn nữa chị nghe nói người khuyết tật được giảm giá vé mà.
- Cháu nhà chị bị khuyết tật?
- Vâng ạ.
- Vậy chị cho tôi xem giấy giấy chứng nhận khuyết tật của con chị?
Người phụ nữ lúng túng :
- Cháu nó không có giấy chứng nhận, cháu mắc chứng Tự kỷ, mấy người cấp giấy nói Tự Kỷ là bệnh mới quá nên chưa được công nhận là khuyết tật, lúc tôi mua vé người bán vé cũng đòi giấy chứng nhận, tôi không có nên đành mua vé trẻ em cho cháu.
Cô nhân viên soát vé cười khẩy :
- không có giấy chứng nhận khuyết tật thì là bình thường rồi, làm sao mà coi con chị là người khuyết tật được?
- Thì em nhìn nó biết ngay, chẳng có đứa thanh niên nào 17 tuổi rồi mà còn đòi bú bình sữa của trẻ sơ sinh cả.
Tôi đưa mắt nhìn sang cậu “bé” thì đúng là cậu đang ngậm núm vú giả mút chùm chụt thật, cô soát vé cũng liếc mắt nhìn sang cậu bé rồi không chút đắn đo, bảo :
- Tôi cần xem giấy tờ, tức là quyển sổ có in mấy chữ “ Giấy chứng nhận khuyết tật “ có đóng dấu đỏ chứ tôi không biết xem người.
Người phụ nữ cúi mặt, những giọt nước mắt thi nhau rơi xuống nền xi măng lạnh lẽo, cô soát vé lại giục :
- Chị đi đổi vé mau lên! Sắp tới giờ tàu chạy rồi.
Người phụ nữ lục hết các túi trên người và hành lý được gần hai mươi nghìn, chị run run nói :
- Mua vé người lớn cần thêm 45 nghìn nữa , chị không đủ tiền, em thông cảm cho mẹ con chị lên đi.
- Giời ạ, đây không phải là chỗ để chị xin xỏ.
Cô soát vé gắt lên với người phụ nữ, tôi bực mình quá đứng lên định xuống dưới, nói vài câu với cô nhân viên cho bõ tức và đưa tiền cho người phụ nữ thì đã thấy bác mặc áo công nhân ngồi sau tôi đang bước xuống bậc lên xuống đoàn tàu, bác đưa cho người phụ nữ tờ một trăm nghìn :
- Mẹ cháu cầm lấy đi mua vé cho cháu ngay đi này, tàu sắp chạy rồi.
Bác quay sang cô nhân viên :
- Cô không phải là con người nữa, hoàn cảnh đáng thương như vậy mà cô còn hoạnh họe hai mẹ con người ta.
Cô nhân viên soát vé nổi cơn tam bành, nói the thé :
- Ông ăn nói cho cẩn thận nhé, tôi không là người thì là gì?
- Cô là người à? Cô đưa giấy chứng nhận “ người “ của cô ra đây tôi xem nào?
Hành khách xung quanh cười ồ lên, cô nhân viên im lặng không nói gì, bác công nhân nói tiếp với cô nhân viên mà như nói với tất cả mọi người trên tàu :
- Làm việc theo nguyên tắc , giữ đúng nguyên tắc là tốt , nhưng trong cuộc sống đôi khi phá bỏ nguyên tắc cứng nhắc để cứu giúp một hoàn cảnh đáng thương, cần sự giúp đỡ thì còn tốt hơn là giữ đúng nguyên tắc.
Người phụ nữ dẫn theo cậu bé quay lại, chắc chị đã đổi được vé nên khuôn mặt có phần bớt căng thăng, bác công nhân đỡ cậu bé lên tàu, không ai bảo ai tất cả những người ngồi trên toa tàu đều cảm phục và biết ơn bác công nhân, riêng tôi còn có cảm giác hổ thẹn vì mình đã chậm chạp, do dự không giúp đỡ hai mẹ con người phụ nữ ấy ngay.
Chuyến tàu ngày hôm nay chắc chắn tôi sẽ nhớ mãi không quên vì trên chuyến tàu này tôi đã học thêm bài học về lòng nhân ái, sự cảm thông chia sẻ giữa con người với con người.
Hằng ngày chúng ta bị cuốn theo vòng quay hối hả của công việc mưu sinh, những tính toán thiệt hơn, những lo toan miếng cơm manh áo của cuộc sống đã kiến chúng ta quên đi ý nghĩa của cuộc sống “ Sống trên đời cần có một tấm lòng “ Chúng ta hãy sống chậm lại, hãy bớt chút thời gian để lắng nghe, bớt chút tiền tiêu vặt để giúp đỡ, chỉ cần mỗi người có ý thức hơn một chút thì những cuộc đời bất hạnh sẽ bớt bất hạnh, những người nghèo sẽ bớt nghèo. Sẽ không còn những giọt nước mắt vì tủi nhục, cay đắng nữa, tôi mong thế giới này sẽ như vậy biết bao.
Sưu tầm