Ánh Sao: +84-4-38696675
Hotline: +84-974947306

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay8
mod_vvisit_counterHôm qua257
mod_vvisit_counterTrong tuần2450
mod_vvisit_counterTuần trước8827
mod_vvisit_counterTrong tháng14307
mod_vvisit_counterTháng trước23346
mod_vvisit_counterTất cả1907590
Hiện có 2 khách Trực tuyến

Nhà giàu rèn con bằng sống khổ

Share

 

Thảo - cô con gái út của chủ một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tại TP HCM ngày nào cũng dậy thật sớm, điểm tâm rồi ra đường đón xe buýt đến trường. Một tiếng đồng hồ sau, bố cô xách cặp lên ôtô có tài xế đang chờ sẵn đi làm.

Nhà có xe hơi riêng, công ty sẵn ôtô với lái xe, nhưng Thảo cũng như chị gái của mình đều học cách sống tự lập ngay từ nhỏ. Thừa tiền mua xe máy song cô học sinh một trường cấp 3 có tiếng tại Sài Gòn vẫn chịu khó đón xe buýt đi học mỗi ngày. Cô cũng từ chối ý định chu cấp tiền du học nước ngoài của bố: "Con sẽ tự săn tìm học bổng du học bằng sức của mình, nếu không thì học trong nước".
Chị của Thảo hiện là sinh viên khoa kinh tế trường đại học quốc gia TP HCM, tối về vẫn tranh thủ đi làm thêm. Thời gian rảnh, cô chị lại đến công ty bố làm thêm và nhận lương như một nhân viên bình thường để trang trải chi phí sinh hoạt riêng.
Kể về hai cô con gái của mình, người bố - ông Hoàng Văn Dân không giấu niềm tự hào. Ông bảo rằng cả hai đứa con đều rất ngoan từ khi còn bé và biết quý trọng tiền bạc bố mẹ làm ra mà không hề đòi hỏi. "Tôi đã dạy con theo cách tôn trọng và trách nhiệm, có thể coi là phương pháp dạy con hiện đại nhất hiện nay giúp trẻ phát triển nhân cách toàn diện cả về trí tuệ, tình cảm và thể chất", ông bố nói.
"Các con tôi được tự lập, tự ra quyết định cho mình. Chúng phải bỏ công sức để làm ra tiền mới biết quý trọng đồng tiền. Chúng phải sống khó khăn một chút mới biết đồng cảm với những người nghèo khổ".
Ông bố tiếp: "Trẻ học được tinh thần trách nhiệm và tôn trọng sẽ rất tự tin phát huy tính độc lập và cảm nhận giá trị bản thân. Chúng cũng thiết lập mối quan hệ với người khác trong cộng đồng dễ dàng và cực kỳ tốt".
Như bao ông bố bà mẹ khác, những doanh nhân giàu có cũng muốn con cái mình học giỏi để nối nghiệp nhà. Thế nhưng họ quá bận rộn với công việc kinh doanh để có thể lo cho con. Ở hầu hết gia đình giàu có, việc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái chính là “tiền”. Vì vậy dẫn đến một thực tế là con trẻ không biết quý trọng sức lao động mà tiêu xài hoang phí, không chăm lo học tập chỉ biết dựa vào cha mẹ.
Song cũng có những doanh nhân mặc dù rất bận rộn với việc kinh doanh vẫn thực hiện trách nhiệm chăm sóc dạy dỗ con cái một cách nghiêm khắc. Và con của họ khi trưởng thành đều là những người giỏi giang, thành đạt, có ích trong xã hội. Trường hợp như ông giám đốc Hoàng Văn Dân không phải là hiếm.
Bà Huỳnh Huệ Hoa, giám đốc một công ty kinh doanh dây cáp điện tại quận 5 cho biết, gia đình giàu lên từ khởi đầu nghèo khó nên bà rất chú trọng dạy con biết quý trọng giá trị đồng tiền và phải có tính tự lập.
Để làm điều đó, ngay từ khi hai con trai còn nhỏ, bà đã tập cho con biết quản lý thời gian và tài chính một cách khoa học, không chiều theo kiểu đáp ứng mọi yêu cầu của chúng. Bà hỗ trợ cho con mọi thứ tốt nhất trong học tập, song để có tiền tiêu cho nhu cầu cá nhân thì các cậu bé phải giải thích rõ lý do.
Là con của sếp, nhưng các ông chủ nhỏ này mỗi mùa hè phải đến bán hàng cho các cửa hàng của công ty, hưởng lương như nhân viên bình thường. "Khó khăn giúp bọn trẻ phấn đấu hơn, xây dựng những hoài bão của mình trong tương lai", người mẹ nói.
Nhờ vậy, khi cậu con trai lớn đi du học, mẹ chỉ phải tài trợ 6 tháng đầu tiên. Chàng trai trẻ đã tự kiếm việc làm thêm và không xin tiền gia đình nữa. Ra trường về nước, cậu lập công ty riêng và phụ giúp mẹ điều hành doanh nghiệp gia đình.
Ông Huỳnh Lê Trung, Việt kiều Pháp về nước kinh doanh chia sẻ: "Con trẻ ngay từ nhỏ cần được tập để biết sống đơn giản, biết ba mẹ cực khổ thế nào khi kiếm đồng tiền, tập các cháu quen với từ "không" khi ba mẹ không thể đáp ứng được ước muốn của con".
Ông Trung kể, ban đầu bố cũng rất vất vả khi phải giải thích cho con biết tại sao nói không với những yêu cầu hoàn toàn có thể đáp ứng được. Lâu dần, các con quen đi, hiểu ra và học tập theo. "Sau giờ học chính khóa ở trường thì cháu chủ yếu tự học ở nhà, biết tiết kiệm tiền bằng cách bỏ ống heo".
Không chỉ dạy con biết quý trọng sức lao động, bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng tại quận 3 còn dạy các con cách ăn mặc, sống giản dị. Bà cho biết: “Tất cả là do giáo dục. Dạy con tiết kiệm, chăm chỉ học hành và chỉ cho con đường đi, thì chúng theo thôi. Hơn hết là cha mẹ phải làm gương. Bảo con ăn uống tiết kiệm mà mình mang tiền đi chơi, spa, shopping... thì sao làm gương được”.
Nhờ đó hai con của bà Tuyết thay vì mang tiền bạc của ba mẹ đổ vào những trò ăn chơi chưng diện vô bổ, thì lại dùng tiền mua sách vở học tập, sách văn học, đĩa nhạc, học ngoại ngữ, vi tính... Sắp tới đây người con lớn sẽ đi du học nhờ suất học bổng mới “săn” được.
Còn hạnh phúc nào bằng khi nhìn thấy con thành đạt một cách trọn vẹn. Đó không chỉ là niềm vui, mà còn niềm hãnh diện, tự hào của các bậc làm cha mẹ đối với sự thành công cho công trình dạy dỗ một con người.
Huy Đức

Share

Số 24 - Ngõ 205 (Cột Cờ)